Tại sao nhiều người nói phim chán ?

  • Vì não người bình thường đã quen với các kích thích mạnh, họ sẽ không thấy sướng khi xem các thứ nhẹ đô hơn. Tương tự như xem porn lâu năm, người ta sẽ tìm tới những thứ ngày càng kích thích và dị hơn là cảnh cổ điển diễn ra thông thường. Như việc ăn đồ ăn gia vị mạnh quen, đồ Thái, đồ Ấn, fast food thì sẽ thấy vị tự nhiên của đồ ăn nhạt nhẽo. Người Nhật lại quen ăn vị tự nhiên của bản thân nguyên liệu, họ ít nêm bột ngọt, nếu có chỉ có một chút nước tương tamari và muối, rồi khi đi du lịch qua Việt Nam, họ nói gia vị đồ ăn ở đây hơi mạnh.
  • Phim này lại là những cú quay long take rất chậm, sự chuyển động tiết chế đến mức không chú ý thì còn không nhận ra được, và não bạn sẽ đột nhiên cồn cào thèm muốn một cảnh siêu anh hùng Marvel quăng quật, đập phá, cháy nổ. Khi đã quen ăn fastfood, thức ăn thô trở nên tẻ nhạt.
  • Nhưng mà không, phim arthouse nó như vậy. Ban đầu nó sẽ tạo cảm giác dài dòng lê thê, không giống như video motivation hay sách self-help, hay gameshow, hay clip tiktok, hay phim Bố già của Trấn Thành – các đạo lý được cô đọng, đóng gói thắt nơ và được nhân vật sỗ sàng ném vào mặt khán giả. Thay vì diễn xuất để người xem cảm nhận sự giận dữ, diễn viên sẽ la lên quàng quạc “tôi đang giận lắm” hoặc giật tít “mình đã kiếm 10 k usd trong 3 tháng như thế nào” hoặc “bản thiết kế vĩ đại, ông trùm abc, đại gia xyz” mang đậm tính clickbait và hút view.
  • Nhiều người bạn của mình nói là không xem nổi phim Cyclo của Trần Anh Hùng vì “quá buồn ngủ”, mình cũng suýt bỏ cuộc khi xem 1/3 phim đấy. Phim sẽ thấy hay ở nửa sau, nhưng cái hay nửa sau chỉ cảm nhận được sau khi bạn xem hết nửa đầu có vẻ chán chán và buồn ngủ đó, còn nếu bỏ dở giữa chừng thì vô nghĩa hoặc chỉ xem đoạn sau thì cũng không hiểu gì cả.
  • Nhưng nếu đã xem hết cả phim mà cũng không hiểu gì cả, thì cũng không sao. Nhiều bạn của mình xem Once upon a time của Quentin Taratino cũng nói k hiểu. Mình xem phim Bá Vương Biệt Cơ đến lần thứ tư mới thấy hay. Có phim xem 3 năm tưởng đã quên béng rồi, nhưng tình cờ trong hoàn cảnh không có gì đặc biệt, bạn liên tưởng đến một đoạn trong phim, đột nhiên đồng cảm với nhân vật, hoặc một câu quote vang lên trong đầu… Xảy ra nhiều năm sau đó, thì mới thấy hay. Đâu phải tôi hiểu tất cả những sách tôi đọc trong tuổi 20 đâu. Tại sao lại phải xem Thủy Hử, Tam quốc chí, kiếm hiệp Kim Dung, núi thần Thomas Mann, anh em nhà Karamazov …?
  • Phim arthouse rất kén chọn người xem, nên đó k phải dành cho tất cả mọi người. Mấy phim mình thích gần đây phim nào rạp cũng vắng vẻ. Song Lang lúc mình đi xem cả rạp chưa đến 10 người, phim này Trong Vỏ Kén Vàng có 5 người, chiều t6 lúc 5 h chiều, phim Monster (Hirokazu Kore-eda) rạp có 3 người. Mình thích tất cả những phim đấy. 2 phim arthouse gần đây mình xem là A Brighter Summer Day (Edward Yang) Apocalypse Now  (Francis Ford Coppola) đều rất hay, và mỗi phim kéo dài tận 5 tiếng, khi xem về mỗi phim mất thêm 4 tiếng để ngồi coi lại lịch sử Đài Loan, và chiến tranh Việt Nam, research từng chi tiết nhỏ nhặt liên quan, thì mới vỡ lẽ ra phim hay ở chỗ nào, lúc đó mới thấy thời gian bỏ ra cho mỗi phim là hoàn toàn xứng đáng.

Các chi tiết tưởng vô nghĩa nhưng hóa ra là có dụng ý, các cảnh quay chân thực và có độ khó

  • Thứ hút mình đến bộ phim là những chi tiết đưa vào phim rất gần gũi với người Việt, mình sinh ra ở Dran, Lâm Đồng, cách bối cảnh phim không xa, nên cảnh chạy xe dream qua các con đường đất lầy lội, nhà gỗ, đàn trâu, đàn gà, các bụi cây dại, cả đồ đạc trong nhà,… Nó cứ như kéo mình về với tuổi thơ. Thế là mình tập trung hoàn toàn vào các thước phim, quan sát không sót các chi tiết nào, thứ mình đặc biệt thích là nét mặt và câu chuyện của ông già Lưu, thoạt đầu chỉ quay có mỗi cái cửa sổ, mãi ở đó từ lúc chào hỏi đến khoảng nửa câu chuyện, khiến người xem không ngừng suy đoán và tò mò về ông cụ này, đồng thời dỏng tai nghe ngóng ông cụ kể, tại sao ông ấy làm nghề này, mà không chịu lấy tiền, rồi người già neo đơn lấy gì sống? Góc nhìn và câu chuyện của ông thật đặc biệt, hiếm thấy, làm mình có chút liên tưởng đến phim Departures (Yôjirô Takita). Mình ngờ rằng đạo diễn Nguyễn Thiên Ân đã lấy luôn đoạn hội thoại này từ hoàn cảnh có thật, ông già Lưu này có thể là già Lưu từ ngoài đời thật đang kể câu chuyện thời chiến của chính mình, cái bằng khen nhuốm màu bụi bặm, cái thùng sắt hoen rỉ, chữ cái in kiểu xưa và giấy thô ám vàng, tất cả mọi chi tiết đều củng cố sự thật cho lời kể, và đoạn credit sau phim phần nào chứng minh được suy đoán đó. Đối với người nghệ sĩ, câu chuyện độc đáo là điểm nhấn cho tác phẩm, hút người xem vào đó và mở ra nhiều suy đoán khác. Ông cho Thiện coi các giấy tờ xưa cũ, vết thương đạn găm vào xương sườn, viên đạn nhỏ trên tay, dưới ánh đèn vàng vọt không rõ bên cạnh một xấp giấy tờ lộn xộn cũ kĩ, kể từ đó, tôi tin câu chuyện này, người xem trở thành nhân chứng của người kể chuyện. Một khi đã tin, đã thiện cảm, tôi hòa nhập vào tác phẩm này hoàn toàn.


Mạch phim diễn ra tốc độ chậm một cách có chủ ý để người xem hòa hợp vào câu chuyện, tạo khoảng trống cho những liên tưởng cá nhân

  • Từ một người chạy xe tốc độ cao, tôi điều chỉnh mạch chuyển động suy nghĩ của bản thân để hòa hợp với tốc độ kể chuyện của đạo diễn. Tôi lại thấy biết ơn vì tốc độ kể chậm rãi và các khoảng trống cho phép tôi lấp đầy các suy tưởng cá nhân vào đó. Sản phẩm cuối cùng người xem có được, không chỉ là bản thân tác phẩm hay thứ đạo diễn mong đợi thông điệp được truyền tải đến người nghe 100%, mà là thứ pha trộn giữa bản thân bộ phim và các trải nghiệm cá nhân người xem đã tạo ra sản phẩm phái sinh, và lèo lái rẽ nhánh các liên tưởng đó theo hướng nào, người xem đặt nặng vào đâu, thì tâm của họ ở đó. Và như thế, phim trở thành chất dẫn, để người xem thực hiện chuyến đi vào bên trong bản thân họ để chiêm nghiệm suy tư. Con người tôi chia làm đôi, một nửa dán mắt vào màn hình để xem diễn biến nhân vật, một nửa để rẽ nhánh vào liên tưởng riêng. Có đôi lúc tôi nghĩ về một đoạn clip của cựu chiến binh miền Nam tôi từng xem trên Youtube, cụ nói rằng, đức tin vào Chúa đã giúp cụ đi qua khó khăn cực khổ trong 20 năm trong tù cải tạo. Cũng có khi tôi liên tưởng một chút đến sự tương đồng hay khác biệt của Trần Anh Hùng với Phạm Thiên Ân. Trong cyclo TAH có các đoạn đặc tả cận cảnh gây ấn tượng mạnh biểu cảm nhân vật. PTA thì dấu ấn riêng bởi long take. Phim thiếu vắng đi các khung hình màu nóng nên sẽ tạo cảm giác cô độc, lạnh, ẩm ướt, vô định, hoang mang. Đặc biệt khi chạy xe trên con đường bao phủ bởi sương mù dày đặc, tiếng gió thổi vù vù, sự va đập của cánh cửa và lay động của nhánh cây cùng lúc. Gió mưa, sương mù, âm thanh được mang vào một cách có dụng ý, đóng vai trò là chất liệu kể chuyện, để từ đó, các câu hỏi được mở ra hợp lý thông qua nhân vật một cách bất ngờ: “Đức tin là gì hả cậu” “Cậu đã bỏ quên linh hồn của mình bao lâu rồi?” “tại sao đến giờ cậu mới đi tìm nó” “Vì trong đầu cậu có quá nhiều thứ”
  • Và câu trả lời cũng đến “Đôi khi chỉ cần một lí do” Một lí do cho việc bắt đầu hành trình này, khởi đầu là để Thiện đi tìm anh Tâm, vì tương lai của đứa trẻ Đạo. Tên của nhân vật cũng được đặt có dụng ý, mở ra các liên tưởng và tạo sự đa nghĩa cho phim. Cái tốt sẽ như thế nào nếu không tìm thấy cái tâm, và như thế thì đạo sẽ ra sao? Đức tin là thứ nhân vật đang đi tìm kiếm cho mình. Có người đã tìm thấy được, vượt qua các tiêu chuẩn đánh giá thông thường của người đời, “Khi tiếng chuông rung lên, một thiên thần có thêm đôi cánh” Lời thoại trong bộ phim It’s a wonderful life giúp ta nghĩ rằng Thảo hay cụ Lưu là những thiên thần đời thật, trải qua khổ đau, khỏi lửa chiến tranh, sống chết, họ tìm thấy bản thân, thấy đức tin, thoát khỏi màn sương dày đặc thông qua việc phục vụ người khác “nếu tôi không làm thì ai sẽ thay tôi làm việc đó bây giờ” Đó là khi cái thiện, ý tốt đã gặp được cái tâm. Thảo dạy học cho trẻ em đồng bào, cho đứa trẻ mồ côi như Đạo, còn cụ Lưu làm khâm liệm xác chết không lấy tiền. Ánh mắt cụ không nhìn thẳng vào camera mà vào một điểm khung cảnh bên ngoài cửa sổ, trong lúc ăn đậu phộng, động tác, ngôn từ, dáng đi hơi khòm hết sức tự nhiên, quá chân thực. Nghe nói đoàn làm phim đã dành một tuần cho cảnh quay này, rất xứng đáng. Tôi thích đôi mắt của cụ, mờ đục, ánh mắt không có điểm đến rõ ràng, cho thấy cụ như thực sự đang nghĩ về khoảng thời gian chiến tranh đó, chứ không phải là một diễn viên đang đọc lời thoại được viết sẵn. Đôi mắt long lanh, hoang mang của Thảo cận với máy quay, sự gần gũi đột nhiên xa cách trong thời khắc đưa ra quyết định. Và chuyển cảnh Thiện hát uống bia ngủ say trong quán karaoke quá hợp lý với insight người Việt, tạo ra đồng cảm.
  • Thiện có tìm thấy Tâm không thì không rõ, nhưng trên hành trình này, với một lí do để bắt đầu, thứ thu hái được sau khi vượt qua trở ngại, mông lung vô định, là sự đối diện với cảm xúc bản thân. Vì đi tìm nên Thiện gặp được một người giúp đỡ trên đường khi xe hư, và một bà lão tưởng là nói năng lung tung mà ai dè là một biến số quan trọng chuyến đi này. Nước suối ở đây mang ý nghĩa phản chiếu khi Thiện vừa ăn nhãn bên suối vừa nhìn xuống nước, và mang ý gột rửa, thanh tẩy khi Thiện ngâm mình trong dòng nước, các âm thanh từ từ tắt dần đi, sau khi nhìn ngắm xung quanh, và vang lên một đoạn nhạc ngắn để chấm dứt chuỗi trình bày suy tưởng. Delivery hay, hoàn hảo.

  • Các chi tiết nhỏ nhặt khác
  • Mình cũng đặc biệt thích chi tiết con gà mồi, tiếng kêu từ xa đáp lại hay là tiếng nói lúc 3 h sáng bên trong Thiện, Thiện đang đáp lại tiếng nói đó, như con gà trống khác, Thiện tin vào tiếng nói dẫn dụ đang thức tỉnh Thiện mỗi đêm. Đáp lại suy tư Thiện Ác “nếu Chúa toàn năng có trên đời, tại sao ngài lại để xảy ra cảnh này” Đôi khi con người mất lòng tin vào Chúa trước những thứ xảy ra, nhưng cứ yên tâm là Chúa đã sắp đặt mọi việc, kể cả những việc “xấu” hay đau lòng, vì đó là lý do mà Thiện có hành trình này, Thiện đi tìm Tâm cho Đạo. Có lúc Thiện tưởng đã tìm được, trong gang tấc, hay đó chỉ là giấc mơ. Khiến mình nghĩ đến bức tranh “The Creation Of Adam” trên trần nhà nguyện Sistine của Michenlangelo đã cố tình sắp xếp như thế.

Ngón tay của Adam biểu hiện sự rụt rè và khiên cưỡng trước Đấng Tạo Hóa còn của Thiên Chúa thì ngược lại, luôn giãn ra và chờ đợi mọi lúc. Bất kì lúc nào Adam cảm thấy muốn hướng đến Ngài thì Thiên Chúa vẫn luôn ở đó chờ đợi anh ta.

  • Mình cũng thích chi tiết sương mù bao phủ không gian, con đường, căn nhà hoang, bảng hiệu, chú chó ngồi trên con đường đất (nó vẫn đứng yên khi máy quay đến gần, rất đáng yêu) áo của Thiện ở nhà ông Lựu có một lỗ rách bên vai trái, tóc Thiện không được chải chuốt, lưng đầy mụn, bụng hơi phệ vì nhậu, thân hình trắng bệnh vì thiếu nắng, không chơi thể thao, mặt rỗ, mắt một mí, râu ria, nhạc sến sau khi thất tình, bài hát trên radio, phía sau là xe ba gác trong màn mưa thành thị…. Họ không cố tính làm cho mình đẹp hơn trước máy quay, mà họ đang là nhân vật, từ vẻ bên ngoài đến những suy tư nội tâm. Lúc đầu mình nghĩ đó là sự tình cờ, nhưng nghĩ lại, không có gì qua được mắt đạo diễn, hàng tháng trời quay phim, không thể không nhìn thấy áo bị rách, mà là họ cố tình để như vậy, đạo diễn rất là hiểu nhân vật.
  • Rất nhiều chi tiết đều cuốn hút, rất điển hình, đặc trưng Việt Nam mà người nước ngoài sẽ rất thích, còn người VN sẽ đồng cảm. Người nước ngoài sẽ rất thích được nghe giải nghĩa bánh phu thê có ý nghĩa gì trong lễ cưới, con gà trống luộc trên mâm tượng trưng cho điều gì. Văn hóa trong tang lễ cũng là nét văn hóa đặc trưng VN khác với nơi khác, đọc kinh cầu nguyện an ủi linh hồn người đã khuất. Con bướm bà bay qua bay lại trong nhà, cuối cùng đậu lên di ảnh chị dâu, trong niềm tin dân gian, con bướm này mang theo linh hồn người chết trong tang lễ, đây là điềm người mất cảm ứng được tình cảm của người sống và có sự giao thoa qua lại giữa thế giới âm dương, thiên đàng, trần gian. Một chi tiết tưởng như vô thưởng vô phạt như màn hình tối đen và vệt sáng cánh bướm mờ nhạt như lân tinh đó người xem dễ bỏ qua, nhưng đối với mình nó không vô nghĩa, chứng tỏ là đạo diễn đã rất dụng công cho từng khung hình.
  • Mình nghĩ là VN cần nhiều hơn những phim nghệ thuật hay như thế này. Việc đưa vào chi tiết đời sống chân thực trong câu chuyện kèm theo câu chuyện hay đóng vai trò là hoàn cảnh dẫn đưa thông điệp, khiến người ta hiểu văn hóa Việt Nam hơn nhiều khi đặt trong bối cảnh hơn là thuyết minh trên xe du lịch trước một di tích lịch sử. Đây là cách người Hàn đã làm thành công với kim chi, rượu soju, mì gói, gà rán trong các phim Hàn Quốc. Đạo diễn đã dùng chất liệu gần gũi nơi mình sinh ra, khi đã đi đủ xa, đủ lâu, khủng hoảng căn tính và quay lại trân trọng cội nguồn, những thứ cơ bản nhất, những thứ tạo nên đặc sắc của bản thân mà người ở San Jose hay Cali không có, nhưng đồng thời cũng có đủ những nét chung để kéo mọi người lại gần, như trăn trở về đức tin, làm dịu lại suy nghĩ của những cái đầu nóng, để đưa người xem vào một không gian khác, cùng thực hiện một chuyến hành trình, ngắm đàn cò bay qua rặng núi phủ sương chạng vạng tối, đốm lửa thắp lên ở 1/3 màn ảnh nhỏ xíu, neo chặt mắt người nhìn, và sau một quãng đường ròng rã mệt nhọc, một lần thức dậy vì trời nổi cơn giông gió, đi trong mưa tìm lối ra trong làn mưa vuốt mặt, và một lần thức dậy yên bình dưới ánh nắng ban mai, giấc ngủ tạm bợ trên chiếc xe máy, ta có gì? Một đàn bướm trắng bay, đàn bướm xuất hiện 2 lần, lần sau được upgrade thêm sự thanh tẩy yên bình bên dòng suối nữa, Thiện chìm mình trong suối, các âm thanh đều biến mất, như bên trong vỏ kén vàng.

Trong vỏ kén vàng có gì

  • Bên trong vỏ kén vàng là gì. Hình ảnh Thiện bồng em bé đứng bên vỏ kén, em bé nằm trong bọc tã màu vàng. Sự tương đồng perfect về tông màu cho phép mình đưa ra suy đoán. Sau việc mạnh mẽ hành động trong việc truy tìm đức tin, việc phá vỏ kén chui ra, dũng cảm, hướng tới điều chân thật, cốt lõi, thứ mà nhiều người đánh mất khi cố gắng đạt được, để thỏa mãn ham muốn, Thiện đã rời bỏ tình yêu ban đầu với Thảo để hài lòng với tạm bợ (massage kích dục, các buổi nhậu xã giao công việc) thì giờ đây trước cái chết là lí do Thiện đi tìm lại linh hồn thuần khiết đó. Y như bà lão trong phim đã nói “có ý nghĩa gì đâu nếu ta có được mọi thứ nhưng đánh mất linh hồn?” Phim cũng mang thông điệp thức tỉnh nhất định, nhưng không dạy đời, mà như một người thầy tốt, không áp đặt chân lý, thay vào đó là hướng người xem đến những câu hỏi, và thúc đẩy họ trên hành trình đi tìm câu trả lời cho riêng mình, vì có thể không có một chân lý cho tất cả, cũng như đáp án chung cho tất cả.
  • Đó là thứ mà Thiện đi tìm kiếm suốt hành trình, lúc mà Thiện nâng niu đứa bé ngủ yên trên tay quấn khăn vàng, màu vàng như nhộng kén bên cạnh, thứ rất gần và rất xa như khoảnh khắc sắp chạm tay vào Chúa gần trong gang tấc, là đức tin chỉ lối mà Thiện tự vấn, phải chăng là một linh hồn thuần khiết ban sơ ?

Categorized in:

Tagged in: